Trang

31.5.19

Lớn Cùng Con / PN # 09


Nguồn: Ảnh chụp tại Hội thảo "Lớn cùng con" tổ chức tại Hà Nội ngày 26 tháng 05 năm 2019

Phương Nhiên yêu quý!

Hôm nay cha muốn kể cho con nghe về một sự kiện có nhan đề "Lớn Cùng Con" mà cha và mẹ đã tham dự vào hôm Chủ Nhật ngày 26 tháng 5 vừa rồi. Chương trình được Trung tâm Anh Văn Hội Việt Mỹ - VUS đứng ra tổ chức.


Mẹ của con là người đã đọc được thông tin và đăng ký gần như vào phút chót cuối ngày 25 tháng 5. Cha cũng chưa kịp tìm hiểu kỹ về chương trình trước khi tới tham dự. Thói quen của cha là trước khi đi đâu hay làm gì, cha thường tìm hiểu kỹ thông tin và có sự chuẩn bị cơ bản về mặt tâm thức. Tuy nhiên, trong lần này thì không có thời gian tìm hiểu thông tin trước, nhưng trong khi di chuyển từ nhà đến khách sạn, cha cũng được mẹ con kể cho sơ bộ về sự kiện này. Và trong lúc ấy, hình ảnh Phương Nhiên bé bỏng đã hiện lên trong suy nghĩ của cha, cha muốn nói với con rằng: "Cha mẹ đang làm tất cả để cho con."

Bước chân tới khách sạn Pan Pacific, cha đã cảm thận thấy đây là một nơi vô cùng sang trọng. Bút, sổ ghi chép, lịch trình của hội thảo, cùng nước uống được phát miễn phí khi tới tham dự. Hội thảo được tổ chức tại hội trường lớn Pacific Ballroom tầng 2 của khách sạn. Đây là chương trình của Hội Anh Văn - VUS nên hai bên sảnh của hội trường, có nhiều bàn nhỏ, phát thông tin và tư vấn về các chương trình học tiếng Anh của VUS. Cha mẹ sau khi check in, nhận tài liệu đã bước thẳng vào hội trường, muốn tìm một chỗ ngồi có góc quan sát thuận tiện, tuy nhiên các vị trí đẹp như đã đầy hết, nên cha mẹ đành ngồi phía hàng ghế ngoài cùng bên tay trái. Tuy không được nhìn trực diện nhưng ngồi chỗ đó cũng đủ để quan sát tất cả khách mời trên khán đài. Cha chuyển điện thoại sang chế độ im lặng và buổi hội thảo bắt đầu.

VUS đã mời tới hội trường bốn vị khách mời rất nổi tiếng, đó là: PGS.TS Kinh tế Nguyễn Hoàng Ánh, tiến sĩ Lê Nguyên Phương, nhà văn - nhà báo Hồ Thị Hải Âu, nhà báo - tác giả Trần Thị Thu Hà. Trong số khách mời ấy, cha chỉ biết đến cô Hồ Thị Hải Âu có con gái học đại học Harvard với quyển sách "Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu". Khi chị MC Thụy Vân đến từ Đài truyền hình Việt Nam, đọc qua tóm tắt tiểu sử thành tích của những vị khách mời, cha thấy họ thật đáng nể. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương một chuyên gia tâm lý học học đường, ông học tập và nghiên cứu bên Mỹ, hiện đang làm giảng viên cho một trường đại học bên đó. Còn PGS.TS Kinh tế Nguyễn Hoàng Ánh thì là giảng viên trường đại học Ngoại Thương. Nhà báo - tác giả trẻ Trần Thu Hà, có nhiều năm kinh nghiệm biên tập viên báo Hoa Học Trò. Bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn của các khách mời, nhìn vào tuổi tác của họ, cha đánh giá rất cao sự lựa chọn khách mời của VUS. Họ sẽ đưa đến góc nhìn đa chiều về dạy con từ bốn thế hệ khác nhau. 

Nhưng tuy vậy, nổi tiếng không đồng nghĩa là họ nói cái gì cũng đúng, hay họ là mực thước để mình noi theo con yêu ạ. Cha bình tâm lắng nghe, quan sát, tiếp nhận và gạn lọc, lấy ra những gì là phù hợp với mình.

Hội thảo chia ra làm hai phần chính. Phần thứ nhất là các khách mời sẽ cùng thảo luận, trả lời những câu hỏi của ban tổ chức chuẩn bị sẵn về những vấn đề mà các phụ huynh thường gặp phải trong quá trình nuôi dạy con. Phần này không có gì đặc biệt lắm, các khách mời chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, mỗi người một ý kiến khác nhau, cho thấy góc nhìn đa chiều về vấn đề nuôi dạy con. Duy có một câu nói của của cô Nguyễn Hoàng Ánh làm cha ấn tương, cô nói: "Nuôi dạy con là quá trình học hiểu con và học thương con. Hiểu con là hiểu đâu là tiềm năng, thế mạnh của con, thương con là hỗ trợ cho tiềm năng, thế mạnh ấy được bộc lộ tốt nhất." Cha thấy đúng lắm Phương Nhiên ạ, cha mong muốn sau này, con có thể sống trọn vẹn với đam mê, sở trường của con và cha mẹ sẽ tạo mọi điều kiện trong khả năng của cha mẹ cả về vật chất cũng như tinh thần để con có thể phát huy được đam mê, sở trường ấy.

Phần thứ hai, các chuyên gia sẽ được mời về bốn phòng khác nhau, mỗi chuyên gia sẽ chia sẻ một chủ đề. Mẹ con quan tâm đến chủ đề "Uốn mà không bẻ gãy" của PGS. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Hoàng Ánh. Còn cha quan tâm đến chủ đề "Dạy con từ tâm" của tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Vậy nên, cha mẹ đã chia nhau ra, vào phòng khác nhau để tham dự.

Trong chủ đề "Dạy con từ tâm" của tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Ông đã đặt ra hai câu hỏi và đi trả lời hai câu hỏi ấy: "Tại sao phải dạy từ tâm?" và "Dạy con từ tâm như thế nào?". Trong câu hỏi thứ nhất ông nêu lên mối ảnh hưởng giữa trạng thái tâm thức của cha mẹ với con, đặc biệt là mẹ với con dựa trên khoa học về thần kinh học, các cơ chế tạo tiết hóc môn tích cực và tiêu cực. Sau đó diễn giả dẫn ra kết quả những công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới về ảnh hưởng của các trạng thái tâm lý, tổn thương tâm lý của người mẹ, người cha đã tác động như thế nào đến hành vi dạy con. Có cả những nghiên cứu về tổn thương tâm lý của bà ngoại, ảnh hưởng cách đời đến cháu. Tất cả những nghiên cứu đều đi đến kết luận: "Cha me có tâm thức, tâm hồn lành lặn, tích cực, sẽ sinh ra và nuôi dạy ra được những đứa trẻ thông minh, hạnh phúc." Phương Nhiên à, đây là một thông tin không mới với cha, nhưng cái mới ở đây là tiến sĩ đã dẫn ra những công trình nghiên cứu khoa học chứng minh và giải thích trên cơ sở thần kinh học và di truyền học.

Sau đó, tiến sĩ đi trả lời câu hỏi thứ hai "Dạy con từ tâm như thế nào?" Ông bắt đầu bằng việc đưa ra mộ số phương pháp để chữa lành những nội kết, tổn thương tâm hồn của các bậc cha mẹ. Đối với những nội kết và tổn thương nhỏ có thể tự chữa lành bằng việc ghi ra giấy các vấn đề, tập đối diện và buông bỏ nó, hoặc sử dụng thiền. Còn đối với những tổn thương lớn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn phương pháp trị liệu. Sau đó tiến sĩ nêu ra bốn nguyên lý để dạy con: "Một là: Kỳ vọng tích cực. Hai là: truyền đạt thông suốt. Ba là: kỷ luật đúng đắn. Bốn là: hỗ trợ kịp thời". Và ông cũng nhấn mạnh việc dạy con nên dựa vào nguyên lý hơn là dựa vào phương pháp, vì phương pháp nó sẽ bị rơi vào cứng nhắc và lỗi thời, nhưng nếu rõ nguyên lý thì phương pháp sẽ tự hình thành. 

Sáu mươi phút để tiến sĩ nói chừng ấy vấn đề, cha thấy quá ít thời gian. Để rõ hơn về những gì tiến sĩ Lê Nguyên Phương nói, cha sẽ tìm đọc hai tập sách của ông có nhan đề "Dạy con trong hoang mang" Phương Nhiên ạ. Tuy nhiên, quan điểm trên của tiến sĩ đưa ra rất trùng với quan điểm của cha, Phương Nhiên ạ. Cha cũng có tìm hiểu về một vài phương pháp giáo dục khác nhau như: Glenn Doman của Mỹ, Montessori của Ý, Shichida của Nhật, Phương án không tuổi, Đệ tử quy của Trung Quốc, nuôi dạy con theo phương pháp Do Thái...thì cha thấy rằng, phương pháp không ở đâu xa, chính tình yêu thương và sự thấu hiểu con sẽ là giá trị cốt lõi để cha mẹ đưa ra phương pháp phù hợp cho con, con yêu ạ.

Như bốn nguyên lý mà tiến sĩ nêu ra ở trên, cha sẽ áp dụng cho Phương Nhiên nhé! Cha mẹ không kỳ vọng con phải học giỏi, thi được vào trường nổi tiếng, ra trường làm ông nọ bà kia và kiếm được nhiều tiền. Cha mẹ chỉ kỳ vọng ở con hai điều này: "Con biết yêu thương bản thân mình và con biết yêu thương người khác". Biết yêu thương bản thân mình con sẽ dễ dàng vượt qua những vấp ngã trong cuộc đời, tìm được niềm đam mê và sống cuộc đời hạnh phúc. Biết yêu thương người khác, con sẽ rèn được đức khiêm cung, lòng vị tha và con có một đời sống thanh thản và ý nghĩa. Bằng cách này hay cách khác, bằng lời nói hay hành động, theo thời gian cha mẹ sẽ cố gắng truyền đạt cho con thông suốt ý nghĩa của hai sự kỳ vọng trên. Và tất nhiên là cha mẹ sẽ luôn bên con, động viên và hỗ trợ con trên con đường đó. Có thể có những lúc con vấp ngã và sai lầm, cha mẹ sẽ kỷ luật con bằng tình yêu thương, Phương Nhiên nhé! 

Buổi hội thảo dự kiến kết thúc lúc 11:30, nhưng đã phải kéo dài đến 12:45 mới kết thúc. Cha thấy bụng mình lúc ấy đã đói, nhưng cha vẫn vui, vui không phải vì được học thêm nhiều kiến thức mà vui vì cha mẹ vẫn luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho con ở mọi lúc và mọi nơi Phương Nhiên ạ!

Quan Âm ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 2019
Viết cho con khi ôm con đang ngủ

Cha của Phương Nhiên

#NQH

                                                        ... ... ... Mục lục ... ... ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét