Trang

10.7.20

Bình luận đầu tiên

Thư gửi Phương Nhiên, Phương Nhiên, Tri thức làm cha làm mẹ, Tâm lý trẻ em, Giáo dục mới, những nhà giáo dục tiên phong, Nhiên, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên

7 giờ 32 ngày 4.7.2020 là cột mốc đặc biệt của phuong.goco.vn. Sau hơn 1 năm rưỡi từ bài đăng đầu tiên, trang đã có bình luận đầu tiên


1.
Động thái của tôi là ngay sau đó vào cài đặt lại khung bình luận. Tôi chuyển độ lớn của bộ chữ thành 16px. Dáng chữ tôi chuyển thành Arial. Như thế giữa bài đăng và khung bình luận đã đạt được sự đồng bộ về mặt thị giác. Những hiệu chỉnh này sẽ không bao giờ có nếu không có sự xuất hiện của bạn Nguyễn Hồng Hải.

Tôi có hào hứng với bình luận đầu tiên này không? 

Có lẽ là không. 

Trạng thái của tôi là bình thản. Tôi không phản hồi ngay. Nếu không dàn xếp một số việc khác có lẽ cũng sẽ rất lâu sau tôi mới phản hồi cho bình luận này.

Khi lập ra trang này, chúng tôi (nghĩa là trang này không phải chỉ có một mình tôi góp sức, góp chữ) đã sẵn sàng cho sự hiu quạnh. Điều mà chúng tôi theo đuổi không phải là sự đông đúc, ồn ào mà là chân tình, là tri âm tri điệu. Để có được những gì vừa kể chắc chắn không thể chỉ bằng các hoạt động giao tiếp trực tuyến. Cần có sự gặp gỡ trong đời thường. Và chính xác là cần sự gần gũi trong căn tính, trong ánh nhìn đời, trong chí nguyện. 

Để tìm ra những người như thế, tôi e rằng không thể nào có nhiều. Sẽ hiếm và ít. Dĩ nhiên nếu có đủ đến độ đủ (từ 4 đến 10 người) để lập thành một nhóm thảo luận thì rất hay. Nhưng tâm lý của tôi đã có sự chuẩn bị cho tình trạng hiu quạnh. Cơ bản là tôi biết mình đang làm gì và đã tìm thấy được sự bù đắp về mặt tinh thần trong những việc mình đang thực hiện với phuong.goco.vn.

2.
Trang này có tên gọi là “Thư gửi Phương Nhiên”. Thể dạng của nó sẽ là những lá thư viết cho một cô gái có tên Phương Nhiên. Cô ấy hiện mới đang ở tuổi mầm non. Chục năm sau, đến khi trưởng thành, Phương Nhiên sẽ có vô số những lá thư có thể đóng lại thành một tập sách. 

Phương Nhiên có thể ôn lại kỷ niệm mà Phương Nhiên khi đó cũng có thể tập làm quen với những suy tư về giáo dục trẻ em qua các thời kỳ. Như thế nghĩa là Phương Nhiên cũng sẽ bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của ý niệm giáo dục đầu đời và khối tri thức đi kèm. Đây là diễn biến ít khi hoặc có lẽ là hoàn toàn không hề có ở đời ông bà và cha mẹ.

Như vậy, nội dung thực sự của trang “Thư gửi Phương Nhiên” có thể được gọi tóm lược thành “Phương Nhiên hay là tri thức làm cha làm mẹ” hay “Phương Nhiên và thuật nuôi dạy con trẻ”. Hay “Phương Nhiên và những nhà giáo dục tiên phong”. Hay “Phương Nhiên và những bậc thầy tâm lý trẻ em”.

Sự biểu hiện của Phương Nhiên là duyên cớ cho người cha, người mẹ của em cùng những người bạn có chung căn tính thật sự nghiêm túc và dấn thân vào chuỗi bài học không dứt về tâm lý trẻ em, tâm lý gia đình. Bởi một lẽ giản dị khi đã sanh con, bắt đầu nuôi con thì chưa chắc đã là cha, là mẹ thực thụ. Cha hay mẹ rất có thể chỉ là danh xưng vô nghĩa, tên gọi rỗng không nếu người cha hay mẹ đó không hề có ý thức muốn hiểu, muốn học, muốn thực hành những tri thức theo kèm trong việc nuôi dạy con cái.

Kết quả học tập ra sao sẽ được đúc kết thành các bài viết được đánh số. Nếu có thêm những bạn tham gia cho ý kiến như bình luận mới đây thì như vậy sẽ có thể trở thành một dạng bàn tròn trực tuyến, một nhóm (đăng ký tài khoản Blogger để cùng thảo luận khi cần ngay dưới mỗi bài đăng) cùng suy tư, cùng quan sát, cùng thể nghiệm, cùng điều chỉnh. Và những gì hiện ra tiếp theo sau đó trên nền tảng này sẽ là tài nguyên cho tất cả mọi người.

#Nhiên
10.7.2020


*Ảnh đầu bài được chụp từ lần tham dự chương trình "Giáo dục mới và những nhà tiên phong" tại Idecaf (Sài Gòn) vào ngày 18.11.2018. 

2 nhận xét:

  1. Bản thân em thấy đã có nhiều người nhìn vào giáo dục hiện nay rất ngao ngán, nhưng lại vẫn phải qui phục nó anh ạ!
    Cũng như em khi bé sâu năm rồi bước vào lớp 1, khi nhìn thấy chương trình đưa ra đủ làm mình thấy cái mê cung, quá thừa mà quá thiếu, thời gian chơi không có, thời gian tự phát triển năng khiếu thì còn xa! Nhiều người kêu nặng nhưng có thay đổi gì khi mà chả ai muốn để con đội sổ, chả ai muốn con bị đúp, lại chạy theo! Thời đại ngày càng lạ, trẻ con cùng với bố mẹ cùng ganh đua, chê bạn, cô lập bạn, nói xấu, kết bè, ... sớm quá anh ạ!
    Nghĩ mà pó tay, cái sự mình đâu có cần con học giỏi, chỉ cần con thật thà, chơi đùa vui vẻ, tự phát triển năng khiếu là được, vậy mà nhiều khi nghe chuyện thấy thương con, nhưng cũng không biết làm sao!
    Thôi thì nếu cần thì đội, cần nữa có thể đúp, nhưng con có thời gian chơi, có thời gian để tìm năng khiếu của mình, thật thà, yêu mọi người mà không ghét hay nói xấu ai là được! Cứ hồn nhiên là được! Cái giá cũng sẽ có thể thiệt thòi nhưng có bố có mẹ hiểu con là đủ!
    Mong rằng trẻ con sẽ được học cách yêu thương, học đức, học để phát triển sở trường bản thân thành người tốt, chứ có cần học nhồi?! Đâu cần phương pháp này, phương pháp kia, chỉ cần thành người thì là phương pháp tốt rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng có những băn khoăn giống anh, anh Hải ạ. Em đã tìm ra một phương cách để tạm thời giải quyết nó, không phải là cách tối ưu nhưng cũng tạm được trong thời buổi ngày nay.

      Như thời xưa không có trường mầm non, nên giai đoạn đầu đứa trẻ sinh ra và lớn lên dưới sự chăm sóc và dạy dỗ của gia đình. Trẻ lớn một chút chừng 10 tuổi sẽ cho đi học với ông đồ ở làng. Những gia đình có điều kiện thì gửi con cho những vị thầy giỏi hơn. Nên giai đoạn vàng phát triển não bộ và hình thành nhân cách cho trẻ chịu ảnh hưởng 100% của giáo dục gia đình. Mà nước ta là nước nông nghiệp nên tính cách của các trẻ ngày đó sẽ rất thuần hậu.

      Nhưng thời đại ngày nay thì khác, thời đại công nghiệp, con người chạy theo giá trị vật chất lo làm ăn, lo kiếm tiền thì sau 6 tháng em bé đã phải xa mẹ và ở với người chăm sóc để mẹ đi làm và trung bình 18 tháng đứa trẻ đã bị đẩy vào nhà trẻ. Đứa trẻ phải đối mặt với quá nhiều những căng thẳng và nỗi sợ hãi (vì với tâm lý trẻ nhỏ thì mọi thứ bên ngoài đều là bất an trừ cha mẹ) rồi cả những tranh chấp, đua chen khi vào bậc học cao hơn (như anh nói). Tất cả những tiêu cực đó sẽ tạo thành nết nhăn trong não bộ đứa trẻ và hình thành nên những tính cách như sợ sệt, thiếu tự tin, không dám nói thật...và nó sẽ trở thành bản tính con người bé.

      Năm ngoái em đã quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm Phương Nhiên anh ạ. Em muốn tạo cho con môi trường tốt nhất. Ngày trước bà nội chăm PN, bà cho xem tivi khi ăn nên hình thành thói quen ngậm không nuốt và do bà lo cháu đói nên ép ăn nên sinh ra bệnh lý trào ngược dạ dày (nhìn thấy thức ăn là PN nôn). Khi em ở nhà em đã phải điều chỉnh lại tất cả, giờ PN đã tự cầm thìa xúc ăn theo nhu cầu, không xem tivi khi ăn và không nôn chớ. Cái quý nữa là có thời gian bày các trò chơi cho con và đọc sách cho con, quan sát con nên sự gắn kết cha con rất sâu đậm.

      Em dự định khi PN 3 tuổi em sẽ cho bé đi học trường quốc tế, đến cấp 1 tiếp tục học trường quốc tế. Giai đoạn vàng hình thành nhân cách cho bé em ưu tiên môi trường tốt nhất. Như vậy sẽ tránh được những tiêu cực trường công như anh nói. Đến khi vào cấp 2, rồi cấp 3 em sẽ cho bé quay lại học trường công. Lúc này bé đã có đủ những căn tính nhất định để có thể vượt qua những vấn đề của trường công. Trong suốt quá trình này em sẽ luôn bên con và trực tiếp dạy dỗ con ngoài giờ. Em sẽ chỉ ở nhà làm vườn và dạy con, còn phần lớn kinh tế vợ em lo. Đây là thỏa thuận của vợ chồng em trước khi em xin nghỉ. Giờ cả vợ và chồng mà lao ra ngoài kiếm tiền thì chắc chắn phải đẩy con ra ngoài xã hội sớm rồi. Đó là cách của vợ chồng em, em xin chia sẻ với anh ạ.

      Em Quốc Hương

      Xóa