Trang

13.4.21

CHÂN DUNG CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Đi tìm chân dung công dân toàn cầu, công dân toàn cầu, chương trình PLEMS, p4k, Giản Tư Trung, Viện IRED, trường doanh nhân PACE, vũ đạm nhiên, đạm nhiên, nhiên, thư gởi Phương Nhiên, tọa đàm Đi Tìm Chân Dung Công Dân Toàn Cầu

Buổi tọa đàm có tên đầy đủ “Đi tìm chân dung công dân toàn cầu”. Viện Giáo Dục IRED là đơn vị tổ chức. Chủ trì buổi này là Giản Tư Trung. Địa điểm là Trường Pace (341 Nguyễn Trãi, Q1). Ngày diễn ra là thứ năm, 8.4.2021. Giờ bắt đầu là 13:30.

Dưới đây là những ghi chép của tôi về buổi này. Một số là nghe được và chép lại theo lối hành văn của bản thân. Dựa trên trí nhớ nên có thể sẽ không chính xác hoàn toàn. Một số là nhận xét riêng tư. Một số ý khác chưa chuyển thành câu chữ thì tôi thuật lại bằng cách ghi âm. 


1. Trường PACE

Thuở sinh viên, mấy lần thấy tên trường PACE. Tôi hiểu đơn giản đây là trường dạy cho doanh nhân. Chưa từng có duyên may bước vào.


2. Viện IRED

Trạm bus yêu thích của tôi ở đường Bà Huyện Thanh Quan. Đứng đó thấy đối diện có đề bảng tên màu đỏ Viện IRED. Đi buổi 8.4 mới biết là Viện đã dời cơ sở về Nguyễn Trãi, cách không xa trường PACE.


3. Mua sách ĐÚNG VIỆC

Muốn tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp. Cần đọc một sách liên quan do một người Việt Nam có kinh nghiệm viết. Cái tên “ĐÚNG VIỆC” xuất hiện đầu tiên trong danh sách. Tôi đọc lướt nhưng không quá ấn tượng. Đó là tháng 5.2019.


4. Xin chữ GIẢN TƯ TRUNG

Tôi dự lễ trao giải Sách Hay 2019 (tháng 9.2019). Khi kết thúc lễ, nhanh chóng tiến lên phía sân khấu để xin chữ ký đề tặng của tác giả. Đến lúc này, vẫn chưa thực sự đọc và nhớ được một trang nào của “Đúng Việc”.


5. Dự tọa đàm 

Tháng 4.2021, trông thấy thông tin tọa đàm “ĐI TÌM CHÂN DUNG CÔNG DÂN TOÀN CẦU” do Giản Tư Trung chủ trì, tôi đăng ký nhanh chóng. Ngày 8 tổ chức. Ngày 2, thư xác nhận được thông báo qua email. 

Tổ chức tại PACE thay vì IRED có lẽ do số lượng đăng ký đông hơn dự kiến.


6. Khoa nói của Giản Tư Trung

Lần đầu tiên tôi nghe anh Trung thuyết trình trực tiếp. Anh vận độc một màu đen, áo sơ mi, không đóng thùng. Đây có lẽ là kiểu ăn mặc bất biến của anh. Ấn tượng vì vậy chỉ có 2 sắc. Sách trắng, người đen. 

Buổi này có máy chiếu. Anh chuẩn bị sẵn một bộ trình ảnh. Nội dung, câu chữ quan trọng đều được biên soạn kỹ. Vận dụng hết các lối in nghiêng, in đậm, nhiều màu trong việc tóm lược. Sau một trang chữ sẽ là một trang đồ hình để tăng trực quan. Chắc là anh có đội ngũ làm hình riêng. Các thông tin từ bên ngoài có ghi rõ nguồn cấp.

13:30 đến 14:00 theo lịch trình từ BTC là “giao lưu, kết nối” . Đúng 14:00 anh Trung xuất hiện và bắt đầu trình bày. Anh nói trong khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục. Đến khoảng 5 giờ là phần đối thoại với khán giả. Tiếp tục là các trao đổi sôi nổi trong khoảng 1 giờ nữa là dừng. Như vậy, chương trình dài hơn 1 giờ so với dự kiến.

Anh Trung trong nhận định của tôi là nói mạnh hơn viết. Không biết anh đã theo nghề giáo dục bao lâu nhưng kinh nghiệm hẳn phải sâu dày. Tôi căn cứ vào khoa nói của anh để đúc kết như vậy. Rất thong thả, khúc chiết, bài bản! Thông tin phong phú. Luận bàn sâu sắc. Nhiều đoạn hài hước gây thư giãn xuất hiện rất đúng thời. Những điều này tạo nên chất keo cuốn hút tâm trí người nghe vào nội dung thuật kể. Bổ ích, sảng khoái và không thấy mệt khi phải ngồi nghe lâu như thế!

Và không thấy “chốt đơn”. Đã không có hò hét làm nóng với tôi là một điều mừng. Ngạc nhiên nữa là cũng chẳng thấy tăm hơi của một chỉ trích, lên án nào trong câu từ. Tôi nghĩ mình hợp với một phong cách nói trước công chúng như vậy. Giản Tư Trung chỉ với 1 buổi (không hiểu nhiều buổi sẽ thế nào) đã gây cho nhiều tôi thiện cảm. Dĩ nhiên tôi hiểu buổi này là một trong một chuỗi hoạt động tạo nên thương hiệu cho những cơ sở của anh. Nhưng tôi thấy không khí sư phạm hiển hiện lấn lướt (hơn là không khí thương mại) trong không gian.


7. Tôi thuộc khối nào?

Khán giả tham dự buổi này có thể quy thành 3 khối. Khối doanh nghiệp. Khối nhà trường. Và khối phụ huynh. Bên thương mại, bên giáo dục. Phần nhiều là cấp lãnh đạo. Tôi ở khối phụ huynh.


8. Điều gì quan trọng khi nhắc đến “Công dân toàn cầu”

Cụm từ này tôi nghe hẳn cách nay cũng hơn 10 năm. “Công Dân Toàn Cầu” giờ đã là một cái tên để bán vé. Cũng như nhiều cái tên thời thượng khác. Tôi ngại nhất là sự thâu tóm, tô vẽ từ khóa bề ngoài mà không đi sâu vào nội hàm.

Anh Trung phát triển đề tài của mình thế nào?

Anh Trung đi từ định nghĩa của OECD đến định nghĩa của chính mình. Nhưng có lẽ định nghĩa không quan trọng bằng thực lực. Ai cũng là công dân toàn cầu. Vấn đề là có đủ năng lực hay không, năng lực để sống đàng hoàng và thành công ở mọi lãnh thổ. Và năng lực đó là năng lực gì?

Làm rõ các năng lực thì sẽ có động cơ để tích lũy năng lực. Tích lũy là học, là làm.

Ở đây có thể thấy được cái trọng yếu là động cơ. Sau đó mới đến cách học (giáo dục), cách làm (lao động). Và sau cùng là năng lực. 

Có lẽ những từ thường xuyên được nhắc tới nhất từ anh Trung đó là “con người tự do” và “giáo dục khai phóng”.

Phần cuối anh bàn đến những chương trình mà bên anh đang triển khai. Như P4K (Triết học hay là luyện tư duy cho trẻ em), chương trình PLEMS dành cho 3 cấp học. 


9. Bối cảnh văn hóa xã hội

Muốn đi vào động cơ hay câu hỏi về sự cần thiết của việc bồi đắp hay là tích lũy năng lực công dân toàn cầu thì cần xét đến bối cảnh văn hóa xã hội. Thời đã khác xưa. 

Đời sống nay đã khác. Khác ở các điểm nào:
- áp lực liên tục
- kết nối 24/24
- quá tải thông tin
- sự phân tán (tán tâm) là một nét phổ biến
- biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ, loạn chuẩn, mọi giá trị bị thách thức, các chuẩn mực bị đảo lôn, niềm tin bị đổ vỡ

Con người không thích ứng theo thế thời thì sẽ bị đào thải. Hoặc tự diệt. Hoặc sống như chết. Lờ đờ, làng nhàng. Hoặc là công dân hạng hai ở xứ người. Hoặc mãi mãi thuộc thế giới thứ ba. Hoặc không Tổ quốc, người Việt nhưng không Việt. Quốc tế nhưng không có quốc tính. Cá tính nhưng không có nhân tính. 


10. Câu hỏi về sự học, sự làm.

Tại sao học, tại sao làm (lý do) là câu hỏi trước tiên. 
Học để làm gì, làm để làm gì (mục đích) là câu hỏi thứ hai.
Học cái gì, làm cái gì (nội dung) là câu hỏi số ba.
Học như thế nào, làm như thế nào (phương cách) là câu hỏi bốn.

Câu hỏi gốc cần trả lời trước. 

Có làm mướn, làm thay. Thế nên cũng có học mướn, học thay. Cũng có ép làm, ép học. Lãnh đạo áp nhân viên phải học, phải làm nhưng lãnh đạo chưa từng học, chưa từng làm. Tương tự, cha mẹ áp cho con cái những phương pháp, những nội dung mà bản thân cũng chưa từng trải. Đây giống như chưa trả lời được câu hỏi gốc. 


11. Tuổi 15 là tuổi thể hiện kết quả của nền giáo dục 

Tôi không rõ chính xác lắm đúc kết này. Nhìn vào tuổi 15 là biết được chất lượng của nền giáo dục. Giáo dục này hẳn nhiên là giáo dục phổ thông. Phổ thông đã hỏng thì không có thể có giáo dục đại học. Mà gốc của giáo dục phổ thông là giáo dục đầu đời ở tuổi mầm non và tuổi nhi đồng. Tôi hoàn toàn đồng tình.

Vấn đề người dạy trở nên quan trọng. Nhưng giáo dục cần được tư duy như là một sự hiệp lực. Muốn có kết quả thì phải có 5 nhà cùng góp tay:

- Nhà Nước
- nhà trường
- nhà giáo
- nhà ba má (gia đình)
- nhà mình (bản thân)
   
Sự học vì vậy là chuyện cá nhân mà cũng không phải chuyện cá nhân. 
Cá nhân vì là học vì mình, học cho mình, học để nhận ra mình (những giá trị nhân bản), học để có chuyên môn (có nghề). Không phải cá nhân vì muốn có kết quả cần có 5 nhà hiệp lực. 


12. Học để lãnh đạo

Lãnh đạo trước hết là lãnh đạo mình. Học để lãnh đạo là học cách lãnh đạo mình, tức điều hướng bản thân về những giá trị nhân bản, tìm ra những nguyên lý trường tồn. Sau đó lãnh đạo người khác. Lãnh đạo người khác là giúp họ tự lãnh đạo bản thân, tức giúp người khác tìm ra những giá trị nhân bản phổ quát, tìm ra và tự điều chỉnh cuộc đời họ, cách học của họ, cách làm việc của họ. 

Lãnh đạo là làm người, làm nghề, làm dân, làm sếp


13. Học được gì từ giáo dục Phần Lan

Ở Phần Lan, tham nhũng cực thấp. Giáo dục phổ thông trung học rất chất lượng. Người giáo viên lương không cao nhưng được xã hội coi trọng. Tỉ lệ chọi ở trường sư phạm rất cao. Và rất nhiều điều cần để tâm suy xét, dựa trên quy chiếu về 5 nhà.


14. Nhìn được gì từ khủng hoảng ở Hoa Kỳ

Một nền giáo dục khai phóng nhưng đang xa rời các giá trị cốt lõi của khai phóng. Từ con người tự do lui về con người hoang dã.


15. Hiểu thế nào là giáo dục khai phóng?

Với những gì đã nghe, tôi nghĩ sẽ giống như thắp đuốc. Giáo dục khai phóng là giáo dục giúp con người ý thức được bóng đêm, hướng về miền sáng. Và sự cần thiết của việc thắp đốt lên mà đi. Đó là một nền giáo dục không cung cấp câu trả lời mà là khuyến khích việc tự đặt câu hỏi. 

Vẫn là chuyện động cơ. Vẫn là chuyện tạo ra động lực khiến người ta dấn bước. Nhưng dấn bước như thế nào để vẫn không lệch ra khỏi những giá trị nhân bản, vì mình nhưng không phạm người và hòa điệu cùng mọi loài.


16. Nếu chỉ làm việc ở khối nói tiếng Anh mà không thể làm việc trong môi trường Việt, nói tiếng Việt vậy thì có phải là công dân toàn cầu?

Dựa trên định nghĩa đặt tra trong buổi này thì không. Cần thành công ở mọi nơi, mọi khối ngôn ngữ và văn hóa. Nếu giáo dục chỉ tạo ra một người thành công chỉ trong một môi trường hay lãnh thổ thì giáo dục đó cũng chưa đạt phẩm chất của một giáo dục toàn cầu. 

Một sản phẩm giáo dục lỗi có nguyên nhân ở cá nhân nhưng cả 5 nhà cần nhìn nhận trách nhiệm.


17. Con người tam tính

Nhân tính.
Cá tính.
Quốc tính (tính cách một địa phương, vùng miền, quốc gia, dân tộc).

Trường học nào đã làm tốt công tác bồi đắp tam tính?
Trường tư có làm tốt?
Trường công có làm tốt?
Trường quốc tế có làm tốt?

Một phương pháp giáo dục nhập khẩu (dạy cái gì, dạy thế nào), một tập thể giáo viên đa quốc gia, liệu có thể tạo ra một con người có đầy đủ tam tính mà gốc vẫn là nhân tính?

Người Việt, quốc tịch Mỹ, sống ở Mỹ nhưng có thể Việt hơn một người Việt, quốc tịch Việt, sống ở Việt Nam là do đâu? Tình trạng người Việt nhưng không có Tổ quốc là do đâu? 


18. Sản phẩm của một chương trình giáo dục có phải là một món hàng mặc cả.

Phụ huynh dựa vào học phí, mặc cả học phí để tranh cãi với giáo viên.
Nhà trường kêu gọi nguồn vốn từ phụ huynh để tăng cường cơ sở vật chất.
Vậy học sinh có phải là món hàng hóa trao đổi giữa các bên?

Giáo dục chỉ nói đến học phí, cơ sở vật chất và thành tích thì học sinh (con người) ở đâu trong tiến trình khai phóng?


19. Học sinh học được gì từ nhà giáo?

Kiến thức. 
Kỹ năng.
Thái độ sống.
Giá trị nội tại (giá trị bản thân).

Nhà giáo dạy gì và ưu tiên trao truyền điều gì cho học sinh?

Tương tự, nhà lãnh đạo khi đào tạo nội bộ sẽ ưu tiên điều gì cho nhân viên?

Ưu tiên hàng đầu là dạy mình, đào tạo mình trước khi nghĩ tới học sinh hay nhân viên.


20. Sự chuyển hóa phương pháp sư phạm để đào tạo công dân toàn cầu

a. Người học là trung tâm. Người thầy trở thành điều phối.

b. Đồng kiến tạo. Không phải kết quả mà là quá trình (xử lý vấn đề để có kết quả).

c. Trách nhiệm cộng đồng (nuôi dưỡng nhận thức các thách thức địa p hương, các mối quan tâm và trách nhiệm cộng đồng)


21. Học thông qua đối thoại

Phản biện không phải phản bác. Critical thinking có lẽ cần dịch là tư duy độc lập, độc lập nhưng dựa trên sự tôn trọng tư duy người khác. Một phiên thảo luận là để tìm tiếng nói chung, học cách hòa điệu thay vì phản bác và thách thức các quan điểm của nhau. 

Trước khi đối thoại (nói) là tiến trình tự duy. Luyện tư duy là bài học hằng đầu trong các bài học về năng lực công dân toàn cầu.


22. Cần một môi sinh cho tư duy

Từ lập mô hình đến xây chương trình và sau cùng là ứng dụng vào đời sống.

Trẻ em cần học nhất là học về tư duy. 


23. Năng lực công dân toàn cầu

Có thể kể qua bao gồm 3 mặt tư duy (đầu óc), cảm xúc (trái tim), hành vi (ứng xử gồm nói và làm). 

Nếu dựa trên tham khảo chương trình PLEMS thì tôi nghĩ sẽ bao gồm:

- khả năng tư duy độc lập (khao khát tri thức, năng lực tự học, kỹ năng tra cứu thông tin)
- năng lực làm chủ (biết mình, định hướng nghề)
- nắm rõ nguyên lý sáng tạo (đi sâu vào lõi nghề)
- tự chăm sóc cơ thể (hiểu về vận động, giải tỏa căng thẳng trong thân tâm)
- làm việc nhóm, xây dựng quan hệ xã hội, nuôi dưỡng trách nhiệm với cộng đồng


24. Một số ý khác

Còn một số ý khác tôi lưu tại đây.

#Nhiên
13.4.2021

Tái bút:

- Ghi chép những dạng bài này không hiểu sao rất mệt. Cái mệt trong tâm. Nhức đầu mấy hôm. Từ ngày 8 đến 13 mới xong. Soạn trên máy tính 3 ngày liên tục mới dứt điểm. Thật sự vẫn chưa hài lòng! 

- Có lẽ tôi cần thêm vài tuần nữa để sàng lọc hết tất cả những gì đã tiếp thu để có thể sử dụng thuần từ ngữ của mình. Toàn bộ bài này vẫn là một dạng giao thoa. Điều quý nhất hay là một cái thở phào nhẹ nhõm là trong buổi này anh Trung không nhắc tới tôn giáo. Tôi rất ngại những bài giảng có tính vay mượn đạo đức tôn giáo vào. Tôi thích sự trình bày thuần túy ngôn ngữ thế tục và đi ra từ kinh nghiệm nguyên chất của người nói.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét