Trang

8.5.23

Sư phạm khai phóng - Cẩm nang dành cho nghề thầy, nghề cha mẹ

Sư phạm khai phóng, Giản Tư Trung, Viện IRED, sách Sư Phạm Khai Phóng, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Thư gửi Phương Nhiên

Đây là lần thứ 3 tôi nghe anh Giản Tư Trung thuyết trình. Có khá nhiều ý lập lại từ những lần nghe trước cũng như một số thông tin tôi đã tích lũy từ tư tưởng của anh cũng như viện IRED. Tuy vậy, nội dung vẫn cuốn hút bởi năng lực hùng biện điêu luyện trong hơn 3 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ.

Cuốn sách "Sư phạm khai phóng" được hoàn tất phần soạn thảo vào 2021. Đến năm 2023, sau 1 lần hoãn thì đã có buổi ra mắt chính thức tại Rex. Trong một tháng tạm hoãn thì tôi đã có cơ may được trông thấy sách đóng thùng nguyên kiện tại nhà in. Đó có thể là một trùng hợp gợi nhắc tôi không nên bỏ qua cuốn này.


Giá bìa 225.000. Mua trực tiếp được giảm còn 180.000. Hình như vậy. Tôi cũng không để ý đến giá lắm. Sách khi mua còn nguyên màng co. Tôi mang vào khán phòng, lột ra nhanh để xem mục lục. Có lúc tôi vừa nghe anh giảng giải, vừa lật sách ra đọc. Sách dày gần 500 trang chia thành 5 chương. Chất giấy nhẹ nên cầm sách thấy không quá nặng. Chủ đề này tôi đã tìm hiểu từ lâu nên cảm thấy việc thẩm thấu nội dung diễn ra rất nhanh chóng. Với những ai nghe kỹ buổi thuyết trình này và có thực hành viết, vẽ tóm lược thì hẳn cũng đã ghi nhớ được nội dung cốt lõi và những nguồn cấp chính yếu để có thể tiếp tục đào sâu tìm hiểu và thực hành về sau.


Sách in đợt I là 1 vạn bản. Ngay trong hôm nay đã có độc giả "ruột" đặt riêng đơn hàng mới với số lượng 2 vạn. Theo tôi, doanh số cuốn này trong 3 tháng đầu tiên hoàn toàn có thể đạt mức 5 vạn. 


(Đứng trước diễn tiến này, tôi nghĩ ngay đến 1 quyển khác mà tôi từng có cơ hội là một phần tử bé nhỏ tham gia hoạt động quảng bá. Cuốn ấy thuộc đề tài khác nhưng đã gặp được những độc giả "ruột" đóng vai nhà bảo trợ. 1 cuốn sách ở Việt Nam có thể đạt mức 1 triệu bản trong khoảng 6 tháng không? Các bước tiến hành thế nào để đạt được? Đây là đề tài tôi ghim và lưu trữ tại đây để tiện thống kê và sắp đặt dàn ý trình bày.)


Nhìn vào mục lục "Sư phạm khai phóng" thì đã hiểu chủ đề tác phẩm. Tất cả chỉ xoay quanh việc dạy và học. Đối tượng nhắm đến là giáo viên phổ thông và đại học, những người có nhu cầu hoặc đúng hơn đó là lẽ tự nhiên luôn cần phải tìm cách phát triển năng lực giảng dạy. Giáo dục (dạy và học) như vậy trước hết là giáo dục chính mình (giáo dục tự thân). Trước khi có thể khai minh (khai tâm) và giải phóng người trò thì người thầy cần bắt đầu từ sự học (chính xác hơn là sự thực học) của bản thân, truy tìm sâu xa vào mục tiêu, động cơ của sự học với 3 câu hỏi mẫu (2W1H):


- Thế nào là thực học?

- Học để làm gì? Vì sao phải học?

- Học như thế nào?


Tầng nghĩa của sách không chỉ để tôi luyện nghề thầy và bản thân người thầy mà cũng vô cùng hữu ích cho nghề cha mẹ và bản thân cha mẹ. Chưa cần đọc sâu, nhìn qua cách xây dựng cấu trúc 5 chương, phụ huynh đã phần nào hình dung được những chặng đường tư tưởng của nghề thầy từ nguyên lý đi vào thực tế hành nghề. Việc phân tích một ông thầy, sau đó là phân tích một ông hiệu trưởng (nhà trường) là hoàn toàn khả thi. Sau cùng và trên hết vẫn là sự trở về nhìn nhận việc dạy và học của phụ huynh. Cốt lõi vẫn là cha mẹ vì không thể phó tác tương lai của con mình hoàn toàn cho thầy, cho trường hay đổ hết mọi trách nhiệm cho chính sách thượng tầng.


Tính tổng hợp, cô đúc, gốc rễ, ứng dụng và gợi mở là điểm nổi bật của sách. Bắt đầu từ "triết lý giáo dục" cổ kim từ Đông sang Tây ở chương I. Tiếp theo là 10 "lý thuyết" có sức ảnh hưởng từ thế kỷ XIX đến nay, 5 "phương pháp" nhưng quan trọng hơn cả (theo góc nhìn của tôi) là việc đánh giá, đo lường chất lượng dạy và học trong các phương pháp sư phạm. Chương 4 là "chính sách" của 6 nền giáo dục tiêu biểu (Mỹ, Anh, Phần Lan, Úc, Nhật, Singapore). Cuối cùng kết bởi "thực trạng" Việt Nam kèm theo đó là giải pháp đến từ IRED.


Tại buổi này, thêm 1 lần nữa, Giản Tư Trung ngưỡng vọng Phan Chu Trinh. Tư tưởng giáo dục của anh có thể có từ nhiều nguồn nhưng cảm hứng lớn chắc chắn phải là từ nguồn cấp này. Từ "khai dân trí", anh nói đến giấc mơ của ngành nông nghiệp (khát vọng nông trí), của ngành kinh tế (khát vọng doanh trí) và nhất là giáo dục (khát vọng giáo trí) được thâu tóm trên 4 phương diện tư duy, chí khí, quyền lợi và sinh kế: khai giáo trí - chấn giáo khí - mở giáo quyền - tạo giáo sinh.


Sau khi truy xét kỹ càng nguồn gốc cho cải cách giáo dục ở phần triết lý và định chế, sự tập trung cuối cùng của bài thuyết trình (cũng là sự phóng chiếu từ ý chính yếu của sách) vẫn là vai trò của từng cá nhân. Cuộc cách mạng lớn nhất bắt đầu từ trong chính thành quách tâm hồn mỗi người.


#vudamnhien

9.5.2023


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét