Trang

31.8.20

9 người nghe, xem | Phân kỳ lứa tuổi

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý trẻ em Nguyễn Khắc Viện, phân kỳ lứa tuổi, sự phát triển tâm lý vận động trẻ em từ 0 đến 3 tuổi, tâm lý trẻ em, tìm hiểu trẻ em

1. Xem kỹ mục lục

  Đây là bài nối theo bài “Câu hỏi đầu tiên | Phân kỳ lứa tuổi” trong khối nội dung “Cột mốc và các bài thảo luận”. Để tiện cho việc tra cứu, tôi đã sắp xếp theo một trình tự đổ dọc. Các bạn có thể thường xuyên vào trang “Mục Lục” của Thư Gửi Phương Nhiên để nắm rõ dòng thời gian và không bị rơi ra khỏi quỹ đạo của nhóm.


2. Chín (9) người nghe, xem

  Nếu đã trải tận 3 giai đoạn được gợi ý ở bài trước, các bạn chắc chắn đã lắng nghe ghi âm và xem thêm phần hình chụp của nguồn tài liệu tham khảo. Theo thống kê của tôi, có 5 người đã nghe và xem. Trong số này có 1 người mở ra và cho 2 người khác cùng nghe, xem. Như vậy có tất cả 7 người có thể đã hoàn thành trọn vẹn dung lượng được đề nghị của bài viết. 

  Có 1 bạn đã xác nhận sẽ là người số 8 nhưng chưa nghe. 

  Có 1 bạn (người thứ 9) được mời nghe (chưa nghe) nhưng theo trực giác của tôi là vẫn chưa hiểu được mục đích của người tạo nội dung (tức là tôi). 


3. Đã nghe, xem bao nhiêu lần?

  1 tháng đã trôi qua. Với 7 bạn tôi không biết các bạn đã xem và đặc biệt là nghe bao nhiêu lần. Bản thân tôi là người giữ tư liệu. Chắc chắn số lần đọc của tôi phải hơn 5. Đến khi ghi âm tôi trải qua thêm 3 lần nữa. Tập tin ghi âm không hoàn hảo và nội tâm lúc ghi âm cũng không ở mức sẵn sàng. Lý do là không có phòng riêng, kín, cách âm. 

  Trong khi đó tại chỗ tôi tạm trú lúc này (Đà Nẵng), sự ô nhiễm âm thanh là vô cùng trầm trọng. Về phần nghe, chính tôi đã nghe lại phần ghi âm của tôi ít nhất là 3 lần. Và sẽ còn nhiều lần nữa.


4. Một phương pháp giúp đánh giá các phương pháp khác

   Nghe là tốt, điều đó giúp tăng năng lực nghe (sức tập trung và kỹ năng phân tích nội dung, xử lý dữ liệu). Hơn thế, nghe một tư liệu thế này giúp bạn nắm bắt một đề tài thiết thực, đó là phân kỳ lứa tuổi và cách nuôi dạy phù hợp ở từng lứa tuổi. Nhưng xin nhớ, bạn số 9 lưu ý, đây không phải là giới thiệu thêm cho bạn một phương pháp dạy con và bạn phải từ bỏ lối nuôi dạy vốn có của bạn. 

  Không phải! 

  Đây là một phương pháp giúp bạn đánh giá được các phương pháp nuôi dạy khác. Bạn không phải thay đổi điều gì cả mà là lùi lại, đặt con em vào trung tâm. Vấn đề không phải lựa chọn phương pháp nào (trước) mà là lấy con người làm trung tâm (trước) để từ đó có cách đối ứng phù hợp, đối ứng sao cho không ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ.


5. Phẩm chất lắng nghe

  Nghe là tốt, nghe nhiều lần là nên nhưng nghe được gì, nghe ra cái gì, thu nhặt được điều gì mới là quan trọng. Ở đây tôi muốn nói đến phẩm chất lắng nghe. Rất tiếc theo quan sát của tôi tất cả chúng ta, nhóm này đều đang gặp vấn đề trong năng lực nghe (nói rộng hơn là xử lý thông tin)! 

  Điều này xuất phát từ (1) tự bản thân chúng ta chưa ý thức về tầm quan trọng của lắng nghe. Do chưa ý thức nên chưa từng có chủ định rèn luyện. Kết quả hiện tại ở mức trung bình cũng là điều dễ hiểu. Cũng cần phải xét tới số khác tuy hiểu tầm quan trọng của lắng nghe nhưng bị phân tán. Bởi lẽ các bạn đang trong giai đoạn lập thân hay mưu sinh nhất là trong thời kỳ cực kỳ gian khó do ảnh hưởng của đại dịch. 

  Điều này còn xuất phát từ (2) môi trường xung quanh. Hiện tại phần lớn nếu không nói toàn bộ chúng ta đều đang ở các đô thị trung tâm như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Thật không may! Không ai có một môi trường âm thanh lành mạnh. Quá nhiều tiếng ồn trong ngày từ mật độ xe cộ dày đặc, từ hàng xóm vô tâm bật nhạc quá lớn hay hát karaoke không theo giờ giấc! Hơn nữa, nhiều bạn không có không gian riêng, phải chia sẻ với gia đình. 

  Diễn tiến trên giúp chúng ra vỡ ra một lẽ. Khi xây dựng công trình nhà ở hay không gian làm việc tại nhà, ít khi chúng ta nghĩ đến việc cách âm, tiêu âm hay phòng hờ trước sự tạo tác âm thanh quá mức cho phép từ loài người. Tôi nghĩ có lẽ đang có một bài học mang tên CHỊU ĐỰNG mà chúng ta cần phải xuyên qua. 

  Giờ đây nếu chỉ than vãn và chỉ trích những ác nhân thì không chừng chúng ta lại càng vướng kẹt vào vòng xoáy ân oán không dứt. Chỉ còn cách cắn răng chấp nhận và lên kế hoạch cho một ngày mai. Ngày mai phải khác, chúng ta phải sống nơi ta ước mơ.


6. Từ một thầy đến muôn thầy

  Phân kỳ lứa tuổi ở đây là sự đúc kết của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông là bác sĩ nhi khoa, tốt nghiệp tại Pháp. Ông có kinh nghiệm khám chữa và có cả chủ ý thu thập mẫu để phân tích tổng hợp. Hẳn nhiên, trong địa hạt tâm lý, ông không phải là người tiên phong. Những gì ông đúc kết cũng là sự thừa hưởng từ những bậc thầy Tây phương ở các thế hệ trước. 

  Tuy nhiên, trước khi đi sang Piaget hay trước đó là Rousseau, hay nhan nhản khắp nơi lúc này như Montessori, Steiner, tôi nghĩ chúng ta cần phải nắm chắc nền tảng học thuật của Nguyễn Khắc Viện. Học với ông, cùng ông, rèn luyện đủ lâu cùng cách thức tư duy của ông, tôi tin rằng bạn sẽ nắm được một lượng từ chuyên môn thuần Việt, nắm vững và nắm đủ để về sau bạn có thể sải chân bay nhảy tự do, không ngăn ngại trong khu vườn tâm lý học. 


7. Thời gian vàng

  Nội dung mà bạn đã tiếp nhận ở bài trước có thể chia thành 2 ý lớn. Đó là phân kỳ lứa tuổi và đặc điểm của các lứa tuổi. Tuy nói rằng biên độ là từ 0 đến 20 tuổi nhưng thực ra phạm vi đề cập tường tận rơi vào khoảng 0 đến 6 hay quá hơn một chút là đến 11 – 12 tuổi. Đây cũng là điều dễ hiểu và có nguyên cớ nếu ai thực sự chịu khó đào sâu. 

  Trước mắt tôi chỉ có thể gợi ý rằng ở tất cả những bậc thầy tâm lý trẻ em mà tôi đã đọc thì hầu như ai cũng đồng tình với một nhận định. Đó là tầm quan trọng hằng đầu của giáo dục đầu đời. Hay có thể gọi là khoảng thời gian vàng để nuôi dạy trẻ là từ 0 đến 7 tuổi, trước độ tuổi đi học. Không hiểu sâu, không có những nước đi phù hợp ở giai đoạn này thì sẽ rất vất vả và khó cứu chuộc về sau. Cho nên rất mong các bạn có thái độ nghiêm túc và cẩn trọng trong việc học tập, học tập trong một lớp học không có tường, không có bảng, không có thầy, không có kỷ luật, không học phí, không có thi cử, không có giám thị! 


8. Sổ tay và viết chì màu

  Tôi gợi ý mỗi bạn nên chuẩn bị giấy bút. Hay tốt hơn là một quyển sổ tay. Mỗi bài nếu có ghi âm các bạn có thể dành thời gian nghe lại. Lúc này, các bạn có thể viết ra những từ khóa mà theo bạn là xứng đáng với 2 tiếng “từ khóa”. Đó có thể là những thuật ngữ lần đầu tiên bạn nghe hay đó đơn giản là những từ khiến bạn bị thu hút, bị ấn tượng. 

  Sau khi đã lẫy một nhóm từ khóa, nếu có năng khiếu tạo hình bạn có thể vẽ ra những hình tượng (biểu tượng) thay thế cho từ khóa đó và tạo lập một sơ đồ tóm tắt nội dung. Có thể là dạng hình mặt trời như bản đồ tư duy. Hoặc có thể là một đồ hình tùy theo sở thích của bạn. 

  Nếu không khéo vẽ thì bạn có thể thực hành như tôi. Đó là dùng bút chì màu để tô các từ khóa và dùng đường nét hay họa tiết để nối kết các nhóm từ lại với nhau. Theo tôi, không có bước này thì dù bạn có nghe nhiều, nghe sâu, xem nhiều, xem kỹ đến đâu thì một thời gian sau, nếu không muốn nói là vài ngày, bạn sẽ quên sạch những gì bạn đã nghe, đã xem.

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý trẻ em Nguyễn Khắc Viện, phân kỳ lứa tuổi, sự phát triển tâm lý vận động trẻ em từ 0 đến 3 tuổi, tâm lý trẻ em, tìm hiểu trẻ em



9. Cuối cùng vẫn là sự thực hành

  Đã trải bước tóm lược và tạo đồ hình, bạn được gợi ý nghe, xem lại một lần nữa để rà soát cũng như ôn luyện trí nhớ, trí phân tích, tổng hợp của mình. Kế đó là bước thực hành. Quan sát chính đứa con, đứa cháu trong nhà của mình. 

  Một điều cơ bản nhất là bạn phải xác định được lứa tuổi của cháu bé ấy. Ở đây có tuổi sinh lý (tính theo năm tháng). Đó là thông số đầu tiên giữ phần nền tảng. Và quan trọng là bạn tính được lứa tuổi dựa trên hình thái nhân cách biểu hiện qua 3 mặt (thân thể, tính tình và liên hệ xã hội). Nếu không thể tính được thì rất khó để bạn có thể có một cách nuôi dạy phù hợp hay biết cách đánh giá thế nào là một phương pháp phù hợp với đặc điểm riêng biệt của từng trẻ.


10. Quan sát là một sự luyện tập không có ngày cuối

  Quan sát rồi còn gì nữa? Quan sát, quan sát và quan sát đó là một chuỗi không ngừng nghỉ, không bao giờ là kết thúc. 

  Luyện tập quan sát một thời gian, đối chiếu với những người có chuyên môn hay thực sự say mê chủ đề giáo dục mầm non. Có lòng cầu thị, tôn trọng cái cũ và sẵn sàng với cái mới. Tôi tin rằng nếu có những thể hiện trên chúng ta sẽ không xa với phương pháp luận và sự thực hành của những nhà giáo dục trẻ em hằng đầu. 

  Dẫu đi sau nhưng dần dần chúng ta sẽ bắt kịp với vận tốc của họ. Đương nhiên, đây không phải là cuộc ganh đua. Niềm vui thật sự ở đây là nhìn thấy sự tiến lên trong bước chạy của chính mình. Ta nhìn thấy ta cải thiện được hiểu biết của ta về con trẻ. Ta không còn là kẻ thờ ơ đứng ngoài. Ta nhận rõ thế nào là xứng đáng và không xứng ở chiếc ghế của một người làm giáo dục.


11. Trách nhiệm là tôi, nguyên nhân là tôi

  Một con người phạm pháp, trở thành một mối nguy cho xã hội, một con người đủ tướng, đủ hình nhưng vẫn chưa thể định vị được mình trong không gian, trong thời gian, trong liên hệ xã hội, cái thảm kịch này treo lơ lửng trên đầu chúng ta, trên đầu mỗi gia đình chúng ta một khi từng người “được xem là lớn, được xem là trưởng thành” vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo dục thuở đầu đời. 

  Và công việc đó chắc chắn không phải thuộc về mỗi giáo viên mầm non. Cha mẹ là một nghề. Không ai đẻ ra là đã biết làm cha mẹ. Cần học, cần tâm lý sẵn sàng, cần nhọc công! Và không có đường tắt hay bất kỳ một dạng rút ngắn thời gian nào mà những kẻ làm biếng và khôn vặt ưa rắp tâm nhào nặn!

  Nếu không có cả hai (học và sẵn sàng học), tôi là nguyên nhân (chính hay 1 phần), là người phải chịu trách nhiệm (chính hay 1 phần) cho những đổ vỡ về sau của đứa trẻ đã từng trong vòng tay mình bế bồng, dìu dắt.


Đạm Nhiên
31.8.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét