Trang

16.2.23

Học tâm lý để hiểu, để bảo vệ, để chữa trị cho mình và cho những người thân mình

A Parents' Guide for Instilling Confidence, Joy and ResilienceBảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý, Lê Nguyên Phương,Peter A. Levine, Maggie Kline,  Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Phương Nhiên, thư gửi Phương Nhiên, Trauma-Proofing Your Kids

Phương Nhiên!

Trong tuần này, khi khởi sự viết thư cho con, ba nghĩ tới thời điểm con đọc thư này. Sẽ là độ tuổi nào đây? Có lẽ phải 20 năm. Tầm đó chắc con mới hiểu hết lời ba. Nhưng nếu vậy thì e là trễ rồi. Vì thư này có tính hướng nghiệp nên ba nghĩ khoảng 16 tuổi con bắt đầu đọc là phù hợp. Các năm sau đó có thể trở lại đọc nữa. Mong rằng một số kỹ năng và kinh nghiệm mà ba trình bày ở đây vẫn sẽ hữu ích cho con trên đường đời!

Tình huống ở đây là một khi con bộc lộ thiên hướng ở một ngành nào đó, bắt đầu quan tâm tới một lĩnh vực, một nghề nào đó, các bước tiếp theo con sẽ làm gì? Thêm nữa, chính thiên hướng, sự quan tâm của con lại do chính người trong nhà khơi gợi. 

Con hãy theo dõi hành trình của ba để xem ba đã làm gì trong tình huống tương tự. Đó là ba rất quan tâm đến tâm lý học. Có lúc ba đã nghĩ mình sẽ làm một nghề nào đó trong ngành này. Ba chú tâm đến những người giỏi của ngành này. Trong số đó có ông Lê Nguyên Phương. Mà người này ba chưa hề biết cho tới khi đọc được bài viết của bố Hương của con. Như vậy, chính bố Hương là người đã khiến ba để ý đến người này.


1. Sự quan tâm đến ngành tâm lý học

Vào thời đi học ba nghĩ mình đã bắt đầu biết tới áp lực của việc học từ năm lớp 6. Nghĩa là khoảng 10 tuổi. Đến năm cấp 3, vào lớp 11, tức năm 16 tuổi thì ba học kém và mặc cảm thua cuộc hiện rất rõ. Thời đó, mỗi khi có trạng thái bất ổn, ba không biết làm gì. Những gì xảy ra bên trong ba hoàn toàn không biết cách hóa giải. Thắc mắc về nội tâm, về những rối nhiễu tâm lý từ nhiều việc, trong đó có việc thi cử, ba không có ai giúp và cũng không có nguồn nào để học cách giải tỏa. 

Mọi thứ cứ trôi đi cho đến tuổi 24 thì ba mới biết đến đạo Phật. Từ nguồn cấp này ba học được một số phương pháp dò xét nội tâm và biết cách an thần. Kể từ đó, coi như mỗi năm ba gom góp được một ít lý thuyết và những chuỗi ngày thực hành. Ba đi nhiều phương pháp rồi tìm cách tổng hợp để xem đâu là thứ phù hợp với mình. 

Tới năm 28 tuổi ba mới có thể gọi rõ tên bộ môn mình thích là tâm lý học. Khởi đầu của ba chính là sự tò mò. Ba muốn hiểu về nội tâm của mình và qua ngày tháng ba rèn luyện trí thông minh nội quán. Nghĩa là việc xét mình. Xét ngay những gì đang xảy ra bên trong và dùng trí nhớ để xét lại những gì đã xảy ra ở quá khứ.

Ba không học theo trường lớp và không có bằng cấp. Chỉ thuần túy là người học qua sách vở, qua các hoạt động liên quan như các khóa tu Phật Giáo. Ban đầu ba đọc sách Phật học, dự các khóa thiền rồi sau ba chuyển sang sách tâm lý học phương Tây. Đến năm 38 tuổi thì ba mới bắt đầu phân biệt các trường phái tâm lý trị liệu.


2. Tìm thầy

Khi bước vào một ngành, ba chủ động tìm người giỏi để học. Có thể là đọc sách. Có thể là nghe băng giảng. Có thể là đến trực tiếp để tham vấn. Ban đầu ba không biết là ai giỏi nên ba chọn đại. Nhưng sau khoảng 10 năm từ 26 tuổi đến 36 tuổi thì ba nghĩ ba đã có ít nhiều sự nhạy cảm, trực giác và lý trí để biết đầu là một người mình có thể nương theo. 

Ở trên ba đã nhắc đến Lê Nguyên Phương. Đây là một tiến sĩ, ông có nhiều danh xưng. Trước hết nhờ bài viết của bố Hương (2019), ba biết ông này có viết sách. Dùng thêm lệnh tìm kiếm ba biết ông là một nhà tâm lý trị liệu, có kinh nghiệm thật với thân chủ và cũng có thời gian giảng dạy, có nhiều học trò. 

Đến khoảng tháng 7.2022, ba đã đến dự một buổi nói chuyện của ông. Ông là người có khả năng hùng biện. Buổi hôm đó với ba là rất hữu ích. Ông nói về nghề tham vấn và khai vấn. Ở thời ba mới bước ra đời, nghề coachingcounselling đã rộ lên. Ba đã từng nhận được những email chào hàng, mời sử dụng dịch vụ. Nhưng ba chưa bao giờ đặt lịch. Thời thanh niên của ba song hành với sự ra đời của nghề này nhưng ba chưa thật sự hiểu. Nay thì ba được nghe giảng trực tiếp nên ba có ghi chép đầy đủ. 

Rất tiếc là mấy trang ghi chú này của ba đã bị mưa ướt làm nhòe hết! Đó là khi ba đến nghe ông lần thứ hai vào tháng 11.2022. Hôm đó đông người, không còn chỗ nên ba phải ra về. Lúc đến trời mưa to, tạnh được một lúc thì lại mưa tiếp. Ba không vào được nên ra ngoài mái hiên gần đó đục mưa. Không chú ý đến cái túi cóc đeo sau lưng bị nước mưa thấm. Thật may buổi tháng 7 có băng ghi hình. Còn buổi tháng 11 có người phiên tả. 

Đến tháng 2.2023 là lần thứ 3, ba được nghe ông thuyết trình. Đó cũng là sự kiện ra mắt một cuốn sách do ông hiệu đính, tựa đề là “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý”.

Đến thời điểm này gần như ba chưa tìm hiểu gì về ông cả. Vậy nên trước buổi thuyết trình vào thứ 7 thì thứ 4 ba mua sách để đọc và nắm bắt nội dung. Trong tuần ba cũng tìm trang cá nhân của ông để đọc.

Ba dùng một kỹ thuật cơ bản là chọn từ khóa và gõ vào ô tìm kiếm trên trang cá nhân của ông. 

Chủ đề của sách tập trung vào phương pháp được dịch là “thân nghiệm” (Somatic Experiencing) nên ba đóng ngoặc kép nhóm từ này và tìm kiếm trên dòng thời gian của Lê Nguyên Phương để xem ông có bài viết nào không và quan trọng là ông có thực hành phương pháp này không, có còn theo không.

Tác giả sách là Peter A. Levine và Maggie Kline. Mối quan hệ của họ là thầy trò. Ba biết điều này về sau khi dự buổi thuyết trình được nghe chính cô Maggie nói. Còn liên hệ giữa cô và ông Phương là bạn bè. Với ba đây là điều quan trọng. Ông Phương là người đã mang sách về Việt Nam và tìm đơn vị phát hành sách này. Ông là người hiệu đính cho phần dịch. Còn người dịch tên là Thảo Chi. Rất tiếc trong buổi thuyết trình không thấy ai nhắc đến! Ba định hỏi về người này mà sau đó nghĩ lại nên thôi.

Trong mấy ngày trước thứ 7, ba cũng đã tìm kiếm quanh những danh xưng ở trên. Ba vào amazon để tìm các đầu sách của ông Levine, xem xét độc giả đánh giá thế nào về ông. Ba đọc lướt tiểu sử và các cột mốc xuất bản quan trọng của Levine. Sau đó, ba lại vào trang cá nhân của ông Phương và dùng từ khóa Levine, Kline để xem xét xem có các bài viết nào liên quan hay không.

Ba cần biết thêm là ông Phương hiện đang theo trường pháp trị liệu nào. Do ba cũng đã biết được các từ khóa quan trọng để phân biệt các trường phái nên ba đã nhanh chóng có thêm kết quả. 


Ở tuổi 40, việc chọn thầy của ba có lẽ rất khác với tuổi 20. Dè dặt hơn và thụ động hơn. Nếu ở tuổi 20, có lẽ ba đã bị thu hút bởi năng lực hùng biện, vẻ ngoài và sự hâm mộ của đám đông. Có lẽ ba đã nhanh chóng đăng ký khóa học. Nhưng giờ ba đã tiếp xúc với nhiều thầy, nhiều người giỏi nên ba giữ khoảng cách. Nhưng ba nghĩ dù ở tuổi nào, bước lấy thông tin nền rất cần thiết. Sau khi thu thập, ba tổng hợp, do chưa có thời gian nên ba chưa kịp vẽ biểu đồ tóm tắt. Lấy thông tin nền thì dùng tư duy ngôn ngữ, gói lại thành những từ khóa. Còn biểu đồ là mình dùng tư duy hình ảnh, vẽ lại khối nội dung cô đọng bằng những biểu tượng. Hai kỹ năng này ba nghĩ đến năm 16 tuổi thì Phương Nhiên đã được rèn luyện rồi. Có 2 bước này thì con có thể chọn bất kỳ thầy nào. Theo học với họ (trực tiếp hoặc gián tiếp) rồi sẽ đến bước đối thoại, tranh luận. Trải qua nhiều thì con sẽ biết đâu là thầy tốt nên gần và đâu là thầy không đạt nên tránh. Tất nhiên, ba chưa nói đến đạo đức. Đương nhiên là không có đạo đức thì không đáng gọi là thầy. Còn về phương pháp sư phạm thì đã nằm trong nghiệp vụ. Nếu chỉ giỏi nói, giỏi làm, giỏi tạo hiệu ứng mà không có phương pháp sư phạm thì cũng không thể xem là thầy. 


3. Đọc để hiểu và xét lại mình

Sách dày khoảng 300 trang. Ba đọc không theo trật tự tuyến tính. Chủ yếu ba muốn xem định nghĩa “thân nghiệm” là gì. Sau đó ba xem các ca thực tế. Ba cũng tìm bản gốc tiếng Anh để đọc song hành. Tuy chưa đọc kỹ toàn bộ nhưng đến hôm dự ba đã gần như có được nền dữ liệu để có thể ngồi nghe buổi thuyết trình hiệu quả nhất. Buổi này dài hơn 3 giờ. Ba có số hóa dữ liệu để khi cần có thể nghe lại. 

Ba nghĩ đây là cuốn sách hay. Vừa có nguyên lý, vừa có kỹ thuật, vừa cho thấy tiến trình làm việc của tác giả, vừa cho thấy cách họ đúc kết kinh nghiệm. Vừa có từ khóa, vừa có kỹ năng, vừa ví dụ điển hình (tức sử dung phương pháp nghiên cứu ca).

Chấn thương tâm lý (trauma) ở trẻ em nếu không xử lý tốt thì kéo dài dai dẳng đến các thời kỳ sau. Khi mà chấn thương chưa lành, chúng ta có xu hướng chôn mình trong đó và (hoặc) gây chính chấn thương đó cho người khác. Chấn thương tưởng như là các trường hợp bạo hành, xâm hại tình dục, gia đình ly tán, bắt nạt. Nào ngờ đâu còn có những dạng như là tai nạn, một cú té ngã hay chỉ là một lần đi nhổ răng hoặc bất kỳ sự kiện nào vượt quá ngưỡng chịu đựng của bản thân. 

Đọc sách xong thì ba thấy mình đã học thêm một phương pháp mới. Đúng ra là một số điều mình đã biết nhưng không biết cách thâu tóm thành một liệu trình như thế này. “Thân nghiệm” chia làm 8 bước mà ba cảm thấy hết 7 bước là để đồng nhất mình với con trẻ để thực sự hiểu vấn đề nằm ở đâu trước khi bày ra (hoặc điều chỉnh) phương cách hóa giải. 

Trong “thân nghiệm”, thơ ca, hội họa, âm nhạc, kịch nghệ được vận dụng sáng tạo để tạo ra một phương hướng giải tỏa cho tâm lý bị mắc kẹt sau chấn thương của trẻ. Từ đây ba có thể hiểu đó là một hình thức mô phỏng lại chính chướng ngại ở một mức độ dễ chịu cho tâm lý và dùng cách hình thức trò chơi bằng nghệ thuật để giúp người bị chấn thương có thể vượt qua được trạng thái rối nhiễu. Căn bản ở đây vẫn là sự chú tâm hoàn toàn (bằng trí phán đoán và tình thương) của người đồng hành (có thể là cha mẹ, ông bà hay người thân) vào con trẻ.

Đọc xong sách, ba đã mường tượng được phần nào các chấn thương tâm lý từ nhỏ của mình. Dự buổi thuyết trình ra về, ba càng thêm động lực để dùng trí nhớ hồi tưởng lại tuổi thơ. Sự thật ba là một em bé có nhiều chấn thương. Ở một số phương diện ba vẫn chưa trưởng thành. Trước đây, ba đã nghĩ có những chấn thương ba sẽ mang theo suốt đời. Cố gắng của ba là không để lan sang con của mình. Nay thì với trải qua mới nhất với phương pháp này ba nghĩ ba đã có thêm một lối ra. Ba sẽ tiếp tục đọc, thực hành và liên tục làm bài thu hoạch cho quá trình suy xét nội tâm của mình. Khi có kết qua, ba lại tìm cách đối chất, so sánh, kiểm nghiệm một cách gián tiếp, trực tiếp với những người thầy hoặc những trường hợp tương tự mình.

Tạm thời ba viết một mạch và chia thành 3 ý lớn như thế này. Những ngày sau, ba sẽ đọc lại. Hoặc chỉnh sửa nội dung hoặc viết thêm.

#vudamnhien
Quận 6, 16.2.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét