Trang

6.1.19

KHUÔN MẶT THẬT CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM | PN#3

Từ phụ huynh đến nhà giáo, Trần Hữu Quang, Khảo sát xã hội, hiện thức giáo dục việt nam, thư viết cho Phương Nhiên, Phương Nhiên, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Ba đến Viện Khoa Học Xã Hội Vùng Nam Bộ đúng 2 giờ trưa. Nghĩa là khớp đúng giờ sự kiện bắt đầu. Khi cửa thang máy lầu 4 vừa mở, ba đã gặp ngay quầy trưng bày sách trước cửa vào hội trường.

Tựa đề của các sách đều là chủ đề mà ba cần thu nạp. Tuy vậy, ba chọn 2 quyển của tác giả cũng là người chủ trì buổi tọa đàm hôm nay. Đúng lúc này thì tác giả xuất hiện. Biết rằng không thể tham gia trọn vẹn vì có suất xem phim vào 4 giờ 30 chiều, ba nhanh chóng xin phép tác giả đề chữ ký tặng.

Khoảng lặng sau đó giúp ba đọc lướt qua nội dung của quyển màu xanh dương. Toàn là số và số. Nhưng ba vẫn rất hào hứng đón chờ những gì sẽ được lắng nghe sau đó. Khoảng nửa giờ đầu, có lẽ ba hơi mất tập trung. Ba đã tham gia một sự kiện suốt buổi sáng và cũng không kịp nghỉ trưa. Về tới nhà, ăn uống vội rồi ngay lập tức lên xe cho kịp sự kiện buổi trưa. Cơn mơ ngủ chiếm tràn tâm thức. Ba tạm nhắm mắt và thư giãn dáng ngồi. Có lẽ ba đã chìm vào một giấc ngủ ngắn và kết thúc bằng một cú giật nẩy. Nhờ một khoảng nghỉ ngắn mà trí óc trở nên minh mẫn hơn. Ba tập trung vào việc lắng nghe và nhận thấy càng về sau âm thanh lan truyền trong không khí càng có sức thu hút và quyến rũ lạ thường.

Quyển sách này là một khảo sát xã hội. Theo đó, tập trung vào ngân sách chi dùng cho việc học của bậc phụ huynh và lương bổng của giáo viên ở 5 tỉnh thành. Địa danh Trà Vinh được nêu ra trong danh sách khiến ba lưu ý. Ba vẫn chưa đến tỉnh thành này, Phương Nhiên à! Dẫu vậy, cái tên Trà Vinh có giá trị đặc biệt trong trái tim của ba. Ba có đến 2 người bạn có nguyên quán tại nơi này (nay đã xuất gia). Ba lưu giữ một quyển sách yêu thích mà nguyên quán của tác giả cũng tại đây. Và còn rất nhiều những mẫu chuyện khác nữa mà ba cần giữ kín để bảo vệ chất thiêng của tiếng gọi Trà Vinh trong lòng mình. Chưa đến Trà Vinh, chưa hiểu căn tính Trà Vinh nhưng ba thấy vui vì giờ đã có thêm những kiến giải rất sâu về địa phương này trong một địa hạt vô cùng hệ trọng. Đó là giáo dục, là dòng tiền thực tế mà người cha, người mẹ đã chi ra, là dòng lưu kim thu nhập thực tế của người làm cô, làm thầy. 

Từ những con số thuyết phục, chân diện mục của đời sống giáo dục từ cả 2 phía ở 5 địa phương dần dần hiện rõ. Đây không còn là những nhận định chủ quan, cảm tính, vô căn cứ mà là một phúc trình được thực hiện bài bản, khoa học và có nguồn cấp rõ ràng. Lần lượt các vấn đề rất lớn và có tính căn nguyên được đặt ra. Đó là gánh nặng tài chính đối với phụ huynh (1). Chi tiêu càng tăng cao ứng với các cấp học. Tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục (2). Sự nhập nhằng "nửa dơi nửa chuột" trong hệ thống trường công, trường tư dẫn đến những biến thái trá hình khi mà lợi ích kinh tế lũng đoạn ý nghĩa căn nguyên của giáo dục. Gốc rễ của hiện tượng bỏ học (3). Đồng lương bất hợp lý và bất công đối với người giáo viên (4). Cuối cùng là bệnh thành tích (5), căn bệnh trầm kha, tác nhân chính yếu tạo nên những suy đồi đạo đức trong thân tâm xã hội cùng các áp lực khác dành cho giáo viên cũng được đề cập. 

Rất nhiều người đều đồng ý rằng các con số dù được thu thập vào năm 2007, nghĩa là cách nay hơn 10 năm, nhưng giá trị vẫn ngời sáng. Kết quả đúc kết vẫn ứng đúng với thực trạng giáo dục đương thời. Cũng từ đây, không quá khó để nhìn thấy nguyên nhân mang tính quyết định và ảnh hưởng toàn cục dẫn đến khủng hoảng giáo dục Việt Nam, mà một trong những hiện tượng tiêu biểu có thể kể ra một vài dẫn chứng như “tỵ nạn giáo dục”, “chứng sợ học”, "bạo lực học đường" v.v...

Ba tin rằng quyển sách này là một nguồn tham khảo cần thiết đối với bất kỳ ai có thao thức, nặng lòng với giáo dục nước nhà mà ở nghĩa gần nhất là với chính con em của mình. Giá trị của sách vượt xa giá in trên bìa. Chỉ có thể nhìn thấu vào nguồn cơn thì một lối thoát khả dĩ mới nên hình. Lối thoát đó không phải là sự bỏ chạy, sự quay lưng, sự di tản tập thể, sự lên thuyền, sự đứt lìa niềm tin với quê hương. Lối thoát đó khởi lên từ ánh nhìn soi rọi vào vết thương chưa thôi cơn đau nhức, dẫn truyền đến quyết tâm bám trụ và kết thúc bằng những hành động dựng xây và chữa lành.


Từ phụ huynh đến nhà giáo, Trần Hữu Quang, Khảo sát xã hội, hiện thức giáo dục việt nam, thư viết cho Phương Nhiên, Phương Nhiên, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét