Phương Nhiên!
Ba đã bắt đầu tập đọc các quyển sách chuyên vào lứa tuổi từ 0 đến 6 khoảng 1 năm nay. Dẫu không thường xuyên liên lạc nhưng ba vẫn giữ được kết nối với mẹ trẻ Tuệ Mẫn. Thỉnh thoảng đó chính là kho thông tin thực nghiệm mà ba có thể tham khảo trong vấn đề nuôi dạy con đầu lòng.
Ba đã bắt đầu tập đọc các quyển sách chuyên vào lứa tuổi từ 0 đến 6 khoảng 1 năm nay. Dẫu không thường xuyên liên lạc nhưng ba vẫn giữ được kết nối với mẹ trẻ Tuệ Mẫn. Thỉnh thoảng đó chính là kho thông tin thực nghiệm mà ba có thể tham khảo trong vấn đề nuôi dạy con đầu lòng.
Cách đây 5 tháng, ba có trực tiếp tìm đến một ngôi trường mẫu giáo đang đi theo đường lối Tây Phương. Dẫu ngắn ngủi nhưng ấn tượng thị giác, chương trình học tập, thực đơn ăn uống, sắc thái của đội ngũ giáo viên chính là trải nghiệm thực tế cần thiết cho ba.
Sách và trường như vậy mới chỉ là những thăm dò mang tính chất cá nhân, diễn ra trong một trạng huống riêng tư sâu kín. Còn ngày 18.11 này, ba bước thêm một bước nữa trên hành trình tìm về gốc rễ của nền giáo dục mầm non. Ba tham dự một sự kiện công cộng, một buổi tọa đàm nằm trong dự án có tính chất phi lợi nhuận. Không còn cá nhân nữa! Giờ ba đã thực sự đặt mình vào dòng chảy tâm thức của những người phụ huynh đang là hay sắp là, muốn là.
Sự kiện có tên gọi đầy đủ: Giáo dục mới tại Việt Nam và những nhà tiên phong. Ba biết thông tin chỉ khoảng 4 ngày trước sáng chủ nhật. Đăng ký vừa kịp thời điểm khóa sổ. 2 điều kiện, 2 nguyên nhân chính thúc đẩy để ba và những con người đứng đằng sau sự kiện này gặp gỡ theo ba đó là... Một, tình yêu với phim (vì trong chương trình có tổ chức chiếu 1 bộ phim ngắn về trường mẫu giáo đầu tiên tại Việt Nam). Hai, ưu tư về giáo dục con trẻ (đong đầy trong tiếng gọi, “Phương Nhiên ơi!”).
Ba yêu thích toàn bộ những gì đã lặng nhìn, đã lắng nghe. Toàn bộ dữ liệu trong bộ phim lẫn trong các bài thuyết trình, vấn đáp sau đó đều là tài nguyên quý giá đối với ba.
Có 1 câu hỏi được nêu ra khiến ba chú ý ngay lập tức. Giống như gặp được một điều gì đó quen thuộc. Tuy lạ mà không xa. Tuy khác mà không biệt.
Không tính người dẫn chương trình, có tất cả 3 giọng nói trên sân khấu. Người #1, giọng Nam, có nhịp điệu sôi nổi, tràn chứa nhiệt huyết. Có khi nhanh, có khi dồn dập. Người #2, giọng Bắc, tốc độ nhả chữ thong thả, có sự nhấn nhá vào các từ khóa quan trọng. Tuy chậm rải những lại đầy sức hút. Người #3, đến từ Thụy Sĩ, nét phúc hậu toát ra từ diện mục và trong ngôn từ của ông ánh lên sự đôn hậu, hiền từ. Nghe ông nói, ba cảm được lòng nhiệt thành trong từng con chữ. Người #1 đã hỏi người #3 1 câu. Trong đó có đề cập đến 2 tính từ “fake và anthentic”. Đại ý của chị có thể tóm gọn trong so sánh “trường giả - trường thiệt”. Hay là có bao nhiêu ngôi trường đang treo bảng, tự nhận mình đang theo đuổi một phương pháp giáo dục nào đó (mà theo tâm thức của xã hội Việt Nam đương thời thì chúng đang là “xu hướng” hay là “thời thượng”) nhưng làm sao chúng ta có thể biết được đâu là thật, đâu là sự trung thực, nhất quán trong danh xưng và hành động, đâu là sự giả danh, trá hình?
Người #3 trước khi trả lời đã bảo rằng đây là một câu hỏi rất khó, rất khó. Còn về phần ba, ba ngồi ở dưới thì ba tin rằng đây là một câu hỏi mở. Vấn đề không phải là câu trả lời như thế nào. Vì hỏi không phải là để lấy ra một câu trả lời. Hỏi với ba là một quá trình thúc đẩy để tư duy khởi những bước chạy đầu tiên và tốt nhất là không bao giờ dừng lại. Thế nên, mặc dù rất hài lòng với câu trả lời của người #3 nhưng với ba thì từng ấy vẫn không đủ. Và sẽ không ai cho ba cảm giác đủ. Chỉ có thể là ba, chính ba của Phương Nhiên phải tự mình tìm ra, tự mình lên đường với dấu hỏi đó. Giống như một người du lịch, đến 1 nơi không phải để lưu trú mãi mãi. Đó chỉ là trạm dừng vì tri thức sống động chỉ có thể là tài sản trong tâm khảm của một kẻ biết đi tới, biết đi mãi và không bao giờ dừng, không bao giờ ngưng.
Ba rất thích câu hỏi này. Bề ngoài nó có những câu chữ thuộc về chuyên môn, gói trong một lĩnh vực, một địa hạt. Nhưng bề trong, ba có thể ứng dụng tính chất nền tảng từ câu hỏi này cho tất cả ngành, các không gian khác. Và thực tế thì ba đã, ba từng.
Khi bước vào 1 ngôi chùa, nhìn vào cách bài trí, nhìn vào những tuyên ngôn ấn đính khắp nơi, làm sao để ba có thể biết họ có trung thực với lời trên cao kia. Đâu là một ngôi chùa giả mạo? Đâu là một ngôi chùa chính chủ?
Đọc một quyển sách thiền, nghe một bài giảng giải về thiền tập, đâu là lời thật, khởi từ xương tủy, đâu là lời rỗng sáo ngoài thịt ngoài da?
Hàng nghìn bài báo phê bình điện ảnh, đâu là một bài viết chạm vào tinh anh của điện ảnh? Đâu là một bài viết gian dối, lừa mị, chỉ tập trung vào những yếu tố ngoại tại của một tác phẩm điện ảnh?
Cứ như thế… ba có thể tiếp tục, tiếp tục để nhìn ra đâu là đồ giả, đồ thiệt, hàng thật, hàng gian trong những gì ba thấy, ba nghe, ba chạm hằng ngày.
Vậy nên, những gì ba đã trải trong ngày chủ nhật hoàn hảo vừa qua và sẽ có thêm nhiều ngày như thế nữa không hẳn là sẽ có ích cho Phương Nhiên mà ba thấy có ích cho chính mình. Đi cho Phương Nhiên và cũng là đi cho ba.
Để giáo dục con cái thì cạn nghĩ người cha người mẹ cũng nên tự giáo dục mình. Giáo dục và tự giáo dục song hành. Không phải kết hôn thì sẽ mặc nhiên trở thành ông bố, bà mẹ. Không phải đẻ một đứa con thì đã xứng đáng được gọi là “Cha ơi!”, “Mẹ ơi!”. Để trở thành 1 người cha, người mẹ rõ ràng cũng cần phải học. Và học phần đó là hôm nay, là muôn ngày về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét