Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi
Phương Nhiên yêu quý!
Ngày hôm nay cha sẽ kể cho con nghe về một loài cây đặc biệt. Loài cây ấy đã gắn bó cùng dân tộc Việt ta từ buổi đầu dựng nước. Xét theo chiều dài lịch sử thì phẩm chất của dân tộc ta có nhiều nét tương đồng với phẩm chất của loài cây ấy. Mỏng manh, gầy guộc nhưng dẻo dai, kiên cường. Hình ảnh của loài cây ấy đã trở thành biểu trưng của làng quê Việt Nam, biểu trưng cho văn hóa Việt Nam và đã ghi đậm trong tiềm thức của biết bao thế hệ lớp người dân Việt. Đó là cây Tre con yêu ạ. Hôm nay cha phải vội vàng ghi lại bài này cho con khi những khóm tre cuối cùng của làng ta dần không còn nữa. Cha sợ rằng, đợi đến khi con lớn lên thì con chỉ còn biết đến cây tre qua sách vở. Vậy nên hãy lắng lòng nghe cha nói nhé con yêu!
Tuổi thơ của cha đẹp lắm, bởi gắn liền nhiều với cây tre. Con có biết, quanh nhà mình và cả xóm mình, cả làng mình, gần như nhà nào cũng có một lũy tre con ạ. Có lẽ tre là loài cây đầu tiên mà cha biết đến khi mới chập chững nhận thức về thế giới xung quanh. Ngày xưa quanh cổng nhà mình, ôm dọc thành nhà ông Quyên bây giờ là một lũy tre lớn con yêu ạ. Lũy tre này do ông nội của cha tức cụ nội của con trồng. Dọc con đường từ cổng vào đến sân nhà mình phủ mát bóng tre, là nơi tập hợp chơi đùa của bao đám trẻ con trong xóm. Những trò chơi tuổi thơ đã được diễn ra dưới bóng râm xanh mát, thanh bình ấy. Đồ chơi của cha ngày xưa nào là cái vòng xâu bằng búp tre, mặt nạ mo tre, con cào cào lá tre, cung, kiếm, gậy tôn, súng, khăng... cũng đều là tre hết con yêu ạ. Ôi! Đó là một tuổi thơ thần tiên, thuần chất, lành và sạch mà cha phải dùng từ "diễm hạnh" mới có được Phương Nhiên ạ!
Cây tre đã đi vào cuộc sống và gắn bó mật thiết với đời sống của người dân mình con ạ. Cha còn nhớ, cụ nội con thường chọn những gốc măng to để ngâm nước chấm. Những lọ nước măng thơm nồng cùng lạc rang, dưa cà, đậu phụ đã đưa đẩy bao bữa cơm thanh đạm ngày ấy. Con biết không, cụ nội con còn có tài đan lát, tất cả những dụng cụ trong nhà ta từ cái bàn uống nước, cái cánh dại che nắng ngoài hiên, cái chõng nghỉ ngơi, cái ghế để ngồi, cái giần gạo, cái sàng thóc, cái nia để sẩy thóc, cái rá vo gạo, rổ để rau, rế lót nồi, cái đũa để ăn cơm, cái tăm để xỉa răng... đều được cụ nội đóng, đan và vót bằng tre nhà mình con yêu ạ. Ra đường thấy tre, về cổng thấy tre, vào nhà thấy tre, xuống bếp thấy tre, chỗ nào cũng có bóng dáng của cây tre, Phương Nhiên ạ. Vậy nên trong mắt cha ngày ấy tre gần gũi, thân thiết, bình dị và rất tự nhiên đi vào đời sống của xóm làng như một phần máu thịt không thể tách rời.
Hồi nhỏ ông nội con có nói với cha: "Con phải cố gắng học giỏi để thoát khỏi lũy tre làng". Trong suy nghĩ của cha ngày ấy, thoát khỏi lũy tre làng là học giỏi để thoát ly, để lập nghiệp ở thành phố, nơi phồn hoa náo nhiệt. Nhưng giờ cha hiểu khác, thoát khỏi lũy tre làng là không giới hạn kiến thức của mình trong phạm vi nhỏ hẹp quanh làng, mà là mở mang kiến thức ra và để rồi lại quay về xóm làng xưa, lũy tre xưa, gìn giữ những gì là tinh túy.
Bây giờ ở làng ta gần như không còn lũy tre nào nữa, nếu muốn tìm tre phải đi ra ngoài cánh đồng rất xa, chỗ gần bờ Rộc may còn mấy khóm lơ thơ. Tất cả đều thay bằng đường bê tông và đèn điện sáng choang. Đồ dùng gia đình thì thay toàn bằng nhựa và túi ni lông. Đồ chơi của con cũng thế Phương Nhiên ạ. Nhựa và ni lông. Sẽ khó tìm thấy hình ảnh thân tre cong cong đung đưa trong gió, hay tiếng kẽo kẹt mà bà nội cứ dọa cha là ma kêu đấy... Cha nghe nói đến năm 2020 huyện Đông Anh thành quận và làng mình thành tổ dân phố, thì chắc những khóm tre cuối cùng của làng ta rồi sẽ tuyệt chủng và cây tre của thế hệ Phương Nhiên chỉ còn trong cổ tích con yêu ạ.
Thời của cha làng mình vẫn là quê. Nên còn may mắn được hưởng một chút sự bình dị, tình cảm của nếp sống xóm làng và sự thuần dưỡng, trong lành của môi trường thiên nhiên. Còn thời của Phương Nhiên làng mình là phố. Thời mà bánh xe đô thị hóa đã càn quét làng quê, thời mà những ngôi nhà chọc trời sẽ mọc trên mảnh ruộng quê ta và mọi thứ sản xuất hàng loạt, nhanh gọn, tiện dụng. Nhưng con yêu nên nhớ, tiện nghi không đồng nghĩa là sẽ thuần chất. Nếu không tự nhắc mình cảnh tỉnh với những gì mình tiêu thụ, ta sẽ âm thầm và hồn nhiên hủy hoại đi môi trường sống đất nước ta, hủy hoại đi văn hóa dân tộc ta như hình ảnh cây tre đang mờ dần trên mỗi xóm làng và không bao giờ xuất hiện trong tuổi thơ của trẻ nhỏ.
Nhưng cũng thật là may, một thứ nhà mình còn giữ được là ngôi nhà ngói mà cụ nội con xây. Toàn bộ phần khung mái đều được dựng bằng gỗ và tre con yêu ạ. Tre ấy trồng ở cổng nhà mình, được ngâm ở dưới ao nhà mình và dựng thành nhà mình đấy. Một ngày Phương Nhiên lớn, nhìn lên nóc nhà mình, cha sẽ lại kể lại cho con về cây tre con yêu nhé!
Quan Âm, ngày 19 tháng 01 năm 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét